Tránh để trẻ chịu áp lực về thành tích học tập
Những đứa trẻ có những suy nghĩ về việc bản thân học kém các bạn khác thường đi vào tâm lý ngày càng chán học, ngại học. Đi vào phân tích kiểu tâm lý này, Giáo sư Hirakv nhận thấy nguyên do rất lớn nằm ở những tác động từ phía bố mẹ.
Một số trẻ nhỏ đột nhiên có hiện tượng sa sút trong học tập. Ở thời điểm này, nếu gặp phải sự trách mắng dù ít hay nhiều từ phía thầy cô giáo hoặc bố mẹ thì kết quả đối với trẻ chỉ là sự tồn thương ngày càng nghiêm trọng về tinh thần tích cực đối với học tập.
Khi trẻ đã ở vào hoàn cảnh này, không chỉ cảm thấy mất tự tin ở chính bản thân mà đối với cha mẹ, thầy cô giáo, trẻ hầu như cũng mất mát những chỗ dựa tinh thần. Lúc này, trách móc hay mắc phạt đối với trẻ đều chỉ có tác dụng ngược lại mà thôi! Đây là lúc trẻ gặp khó khăn, tại sao bố mẹ không trở thành những người giúp đỡ con trẻ? Những người làm bố mẹ hãy động viên con cái vượt qua sự buồn rầu về tình hình học tập trước mắt, phải giữ gìn và khuyến khích lòng tự tin của bản thân con trẻ, hãy nói với con:
"Bố mẹ rất tin con, chỉ cần con cố gắng, con sẽ thành công hơn!"
Đối với con trẻ, cho dù là học sinh học giỏi, luôn đạt những thành tích cao thì điều này cũng không có nghĩa là trẻ sẽ không bao giờ thất bại. Bố mẹ cần phải hiểu rõ điều này để xác định một thái độ hợp lý với con cái, không chỉ lúc con thành công mà ngay cả khi con thất bại.
Chúng ta cần nhìn nhận một sự thực rằng bị điểm kém đôố với bản thân trẻ em đã là một điều không vui. Nếu khi đó, trẻ phải gánh chịu những lời chì chiết từ phía bố mẹ hoặc thầy cô giáo thì những sức ép này có nằm trong khả năng chịu đựng tâm lý của trẻ hay không?
Những gánh gặng tâm lý này nếu cứ chất chồng và tích tụ sẽ đẩy con trẻ đến tuyệt vọng với tương lai, không tin tưởng vào chính mình và tất cả. Để tránh cho con cái những tâm lý nặng nề không đáng có này, trách nhiệm lớn thuộc về bố mẹ.
Ví dụ, khi bố mẹ nhận dược thông báo về tình trạng học tập sa sút của con cái, theo Giáo sư Hirakv, cần ứng xử như thế nào luôn là vấn đề khó khăn với phần đông những người làm bố làm mẹ. Giáo sư Kirakv đưa ra một số lời khuyên với tình huống này:
Trước hết, bố mẹ cần xác định thái độ nhìn nhận thích hợp với thành tích học tập của con cái. Thông thường, khi thành tích học tập của con đạt xuất sắc chúng ta vô cùng vui vẻ, ngược lại, chúng ta buồn bã và lo âu nếu con cái học tập sa sút. Giáo sư Hirakv cho rằng với thành tích học tập của con cái, bố mẹ nên hiểu rằng con cái cũng có lúc thành công, cũng có khi thất. Vì thế, ngay cả khi thành tích học tập của con không tốt, chúng ta cũng không nên biểu hiện thái độ buồn bã hay trách móc con trẻ. Điều này để tránh cho con cái bạn không sa vào tâm lý mất tự tin trong cuộc sống cũng như tinh thần tích cực đối với học tập.
Khi con cái bạn bị điểm kém hoặc thi trượt, thay vì trách móc, bạn hãy cho con trẻ một cơ hội. Tại sao bạn không thể nói với con rằng: "Ai cũng có lần phải thất bại, và thất bại không có nghĩa là chấm hết tất cả"?...
Đối với những đứa trẻ chán học, vấn đề thành tích học tập lại càng trở thành gánh nặng hơn. Bởi vì, khi trẻ đã chán học thì chúng sẽ không học, và tất nhiên kéo theo đó là tình hình kết quả học tập ngày càng sa sút. Không những vậy, khi thành tích học tập sa sút, điều trẻ tiếp tục gánh chịu là sự tức giận của bố mẹ, sự trách mắng của thầy cô giáo. Những gánh nặng này làm trẻ luôn luôn bất ổn, càng lúc càng không tự tin và không có tâm sức để làm bất cứ công việc nào. Kết quả cuối cùng lại vẫn là tình trạng học tập chỉ càng thêm tồi tệ. Theo Giáo sư Hirakv, đây có thể được gọi là "một vòng tuần hoàn ác tính" điển hình ở những trẻ em chán học.
Khi trẻ đứng ở giữa tâm lý muốn học hay không muốn học, những "bình luận" của người lớn đối với bảng điểm của trẻ trở thành một áp lực lớn. Bố mẹ hãy cho con cái mình cơ hội để loại bỏ những áp lực này. Giáo sư Hirakv cho rằng nếu như chúng ta để trẻ thoát khỏi tình trạng tâm lý nặng nề mỗi khi phải nộp bảng điểm cho bố mẹ xem, nếu như chúng ta không cố xem bằng được bảng điểm của trẻ khi trẻ không chủ động đưa cho bố mẹ xem thì chắc chắn trẻ sẽ tự nguyện để chúng ta xem bảng điểm.
Theo sự phân tích của Giáo sư Hirakv, khi "khen" hoặc "chê" một sự việc nào đó, người ta chắc chắn phải có một tiêu chuẩn để đối sánh. Khi bố mẹ "chê" thành tích học tập của con là "tồi tệ" thì căn cứ ở đâu nếu không phải vẫn thường là đi so sánh với thành tích học tập của những đứa trẻ khác cùng lớp. Thế nhưng cùng một thành tích học tập này, có thể khi con bạn đứng ở lớp này là "kém" nhưng đứng ở một lớp học khác lại chưa hẳn bị coi là "kém". Đây là một thực tế.
Hơn nữa, nếu lần này con bạn đạt điểm tối đa, nhưng lần kiểm tra sau, rất có thể trẻ sẽ không đạt được điểm tối đa như trước. Khi đó, nếu so với lần trước, có phải chúng ta sẽ nhìn nhận rằng trẻ đã học kém đi chăng?
Vì những điều này, theo Giáo sư Hirakv, khi con cái bị điểm kém, bố mẹ không nên trách mắng, chì chiết con cái, cũng không nên so sánh con với những đứa trẻ khác. Hơn nữa, bố mẹ cần tìm cách động viên, khích lệ con cái - "Đúng là điểm lần này của con không được tốt lắm, nhưng bố (mẹ) thấy rằng so với trước lúc kiểm tra, kiến thức của con đã nâng cao lên rất nhiều"... Trong những tình huống này, bố mẹ hãy nói lời cổ vũ con tiếp tục cố gắng, hãy để con hiểu rằng nó còn rất nhiều cơ hội khác nữa và điều cần làm nhất là phải nỗ lực hơn. Bạn đừng làm trẻ càng thêm mất tinh thần với việc học tập khi chúng bị điểm kém. Hãy giúp đỡ trẻ có con mắt nhìn về phía trước thay vì sự dằn vặt bởi một điểm kém, một kỳ thi trượt.
Một hiện tượng tâm lý khác thường có ở không ít trẻ em là suy nghĩ "cho dù mình có cố gắng thế nào đi nữa, mình cũng không thể học tốt hơn". Nguyên do chủ yếu là vì các em thiếu tự tin vào chính bản thân. Lúc này, chúng ta cần cố gắng nói chuyện với trẻ, giúp trẻ nhận ra bản thân không phải hoàn toàn không có năng lực. Hãy để trẻ tin tưởng vào năng lực bản thân, đồng thời phải thể hiện cho trẻ biết rằng chúng ta cũng là những người luôn luôn tin tưởng ở những năng lực đó của trẻ.
Tác phẩm, tác giả, nguồn
- Tên sách: Phương pháp giáo dục thực tiễn của Hirakv
- Tác giả: Hirakv
- Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Tư pháp, 2006