Cách người Nhật dạy con qua nghệ thuật khích lệ & động viên
Khích lệ & động viên người khác đã trở thành văn hóa ứng xử của người Nhật Bản. Nghệ thuật khích lệ và động viên trẻ nhỏ cũng là cách người Nhật dạy con tinh thần chiến đấu không ngừng, vượt qua mọi khó khăn dù trong hoàn cảnh nào.
Tiếp xúc với người Nhật, bạn sẽ thấy họ sử dụng kính ngữ và rất nhiều câu khẩu ngữ nhằm động viên người khác. Đối với trẻ nhỏ, điều này càng được chú ý nhiều hơn. Cách người Nhật dạy con trẻ không bỏ cuộc, luôn đặt mục tiêu và đi tới cùng, tất cả nhờ vào nghệ thuật khích lệ trẻ.
Mục lục
Quan niệm khích lệ trẻ của Giáo sư Hirakv
Giáo sư Hirakv là cha đẻ của phương pháp giáo dục con thực tiễn. Ông là nhà giáo dục kiệt xuất của Nhật Bản, với những cống hiến vô cùng to lớn về lý luận tâm lý và phát triển trí não trẻ nhỏ.
Hirakv từng làm Hiệu trưởng phân viện Tiểu học trực thuộc một trường đại học. Ông có nhiều nghiên cứu vấn đề môi trường gia đình, môi trường xã hội, những ảnh hưởng từ xã hội hiện đại tác động tới học sinh tiểu học.
Theo giáo sư, để động viên, khích lệ người khác trong việc học, cha mẹ người Nhật Bản thường có thói quen sử dụng những khẩu hiệu kiểu như:
- “Cố lên!”
- “Chúng ta hãy làm việc tốt nhé!”
- “Mẹ hy vọng con sẽ cố gắng trong kỳ thi này! Cùng cố gắng nhé!”…
Những lời động viên, khích lệ như vậy không có tác dụng thực tiễn nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc. Để động viên, khuyến khích con cái, bố mẹ cần nắm rõ từng hoàn cảnh cụ thể.
Động viên con
Khi con bước vào kỳ thi quan trọng, những câu cổ động chung chung như: “Cố lên nha con”, “Ba mẹ tin con làm được”… vô tình làm trẻ thêm áp lực.
Bố mẹ nên tập cảm nhận sâu sắc hơn về tâm lý, tinh thần của trẻ. Hãy nhớ lại khi bạn ở tuổi con, cảm thấy lo âu và căng thẳng thế nào. Thay vì động viên suông, bạn hãy dành thời gian cùng con ôn luyện.
Lo cho con bữa ăn nhiều dinh dưỡng, tốt cho trí não, nhắc con ngủ đủ giấc… Đó là cách bạn giúp con cảm thấy an tâm khi luôn có bố mẹ đồng hành.
Khi con thất bại
Bị điểm kém, thi rớt, bạn nghỉ chơi… trẻ Tiểu học cũng có rất nhiều vấn đề trong cuôc sống. Những lúc tâm trạng con tuột dốc thế này, tránh hết sức việc trách móc, dạy dỗ con bằng thái độ bề trên. Việc này gây thêm áp lực cho con. Bố mẹ cũng hạn chế những câu an ủi vô thưởng vô phạt như “Cố gắng ở lần sau con ạ!”, hoặc “Rớt thì thôi chớ sao!”.
Những lúc này, lời động viên và khích lệ thực tâm của bố mẹ giúp con cất đi gánh nặng tâm lý. Trẻ cũng có động lực cho nỗ lực tiếp theo
- Ai cũng đôi lần thi rớt và thất bại. Buồn nốt bữa nay thôi, rồi bắt tay “phục thù” con nhé!
- Con còn cơ hội ở lần kiểm tra sau. Chỉ vì thất bại lần này mà bỏ hết thì không đáng.
- Hồi ở tuổi con, bố cũng từng rớt 2 môn. Sau đó, bố rút ra được vì sao mình rớt và cố gắng đậu lần sau
Các bước khích lệ con theo cách người Nhật
Triết lý khích lệ và động viên của người Nhật Bản đã hình thành từ rất lâu và trở thành động lực cho sự phát triển con người ở đất nước này. Tại Việt Nam, cách khích lệ vẫn chưa được hệ thống hóa. Cha mẹ có thể học theo cách người Nhật dạy con nỗ lực này.
Giáo sư Hirakv đúc kết 3 cách giúp bố mẹ cách động viên, khích lệ con.
Không động viên suông
Thay vào những câu động viên suông, bố mẹ cần đề cập thẳng rõ ràng công việc trẻ cần làm và mục tiêu mà trẻ cần phấn đấu. Chẳng hạn khi con sắp bước vào kỳ thi võ thuật, bố mẹ nên cổ vũ con: Con sắp thi võ thuật rồi, tập trung khi thi đấu con nhé. Nếu giành được đai đen thì quá tốt, bố mẹ sẽ rất tự hào. Bố sẽ tặng con chầu kem. Còn nếu không được thứ hạng cao, con cũng đừng bỏ cuộc nửa chừng. Cứ đấu hết sức!”.
Con yêu sẽ định hình được mục tiêu trước mắt và phần thưởng mà mình sẽ có nếu đạt thành tích cao nhờ nỗ lực bản thân. Câu khích lệ có mục tiêu & thành quả cụ thể sẽ giúp con có động lưc hơn.
Nghệ thuật khen ngợi con
Bố mẹ Việt Nam cũng chưa hiểu nghệ thuật khen ngợi con. Có người rất ít khen con, vì cho rằng việc con làm được là bình thường, chẳng có gì đáng quan tâm. Có người thì lại khen ngợi con quá mức, đến nỗi tâng bốc con gần như… thiên tài.
Cũng như lời động viên, cách khen ngợi chung chung không có giá trị cổ vũ trẻ. Ngược lại, sự tâng bốc thái quá làm trẻ có tư tưởng tự huyễn hoặc mình. Được bao phủ bởi những lời khen có cánh, con sẽ nghĩ mình giỏi thật. Ý chí nỗ lực cũng vì thế mà bị thui chột.
Nhiều bà mẹ yêu và tự hào về con, nên thường khoe với họ hàng, bạn bè rằng: “Con tôi vẽ đẹp lắm. Tương lai có thể là nghệ sĩ nổi tiếng đó!”. Thay vì vậy, bố mẹ chỉ nên khen trực tiếp mỗi tác phẩm của con. Chẳng hạn như khen hôm nay con vẽ cảnh siêu thị đầy đủ và chi tiết hơn này. Vẽ em bé dễ thương hơn này…
Giúp con nhận ra cái sai
Giúp con nhận ra cái sai khác với việc soi lỗi của con để chỉ trích. Khi con bị điểm kém, gặp thất bại, con không chỉ cần được động viên mà còn cần bố mẹ giúp mình thấy được sai ở đâu.
Cùng ngồi lại nói chuyện thẳng thắn với con, giúp con tìm ra nguyên nhân thất bại sẽ giúp con rèn thói quen tốt. Con sẽ học được nhiều từ thất bại của mình, đứng lên từ đó để chinh phục nhiều vấn đề khác. Thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh và cho người khác, con sẽ có kỹ năng phân tích và tìm ra sai sót của mình để sửa chữa.
Ngược lại, khi con thành công cũng vậy. Cha mẹ hãy ngồi lại với con để thảo luận nguyên nhân dẫn tới thành công. Theo giáo sư Hirakv, đây mới chính là sự cổ vụ, khích lệ tuyệt vời nhất.
Cách người Nhật dạy con rất bổ ích và có thể áp dụng được vào phương pháp dạy con của người Việt Nam. Hy vọng, bạn đừng bỏ qua nghệ thuật dạy con thú vị thông qua việc khích lệ và động viên này.
Nguồn
- MarryLiving